Bày mâm ngũ quả ngày Tết là một trong những tập tục lâu đời của người Việt vào dịp tết Nguyên đán. Bạn đã hiểu ngọn nguồn ý nghĩa của tập tục này chưa? Cùng Sứ Long Phương tìm hiểu ý nghĩa cũng như cách bày mâm ngũ quả đẹp nhất nhé. 

mâm ngũ quả sáng tạo
Mâm ngũ quả ngày Tết vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa để trang trí bàn thờ.

1. Nguồn gốc, tập tục bày mâm ngũ quả ngày Tết 

Trên ban thờ của người Việt vào ngày tết, không thể thiếu mâm ngũ quả đẹp vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh vừa để trang trí bàn thờ. 

Mâm ngũ quả là mâm bày 5 loại quả khác nhau. Đó là những lễ vật thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, đồng thời thể hiện ước nguyện của gia chủ về một năm mới sung túc, nhiều may mắn. 

tục bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả luôn được các gia đình ở Việt Nam chú trọng trong ngày Tết.

Về nguồn gốc của tập tục bày mâm ngũ quả thì theo ghi chép trong kinh Vu lan, ngũ quả là 5 loại quả mà các tỳ khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn. 

  • Một là các loại quả có hạt: đào, mận, táo…
  • Hai là các loại quả có da: dưa, lê,…
  • Ba là có loại quả có vỏ: dừa, hồ đào, lựu…
  • Bốn là các loại quả có vỏ sần sùi: tùng, bách…
  • Năm là các loại quả có góc cạnh: ấu, các loại đậu…

Những loại quả trên vốn được dâng cúng trong pháp hội Vu lan bồn. Sau này dùng để cúng thờ Phật, rồi mở rộng dùng trong cúng tế lễ tiết. Theo dòng chảy của thời gian, ý nghĩa của mâm ngũ quả dần có sự biến thiên cho phù hợp với cuộc sống đa dạng. 

Xem thêm: Tết cần mua sắm những gì?

2. Bày mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa gì?

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của mỗi miền lại có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên, dù là gì đi chăng nữa thì việc bày mâm ngũ quả đều thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng thành kính với tổ tiên, trang trí bàn thờ, và nguyện cầu những điều tốt đẹp cho năm mới. 

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc

Người miền Bắc quan niệm, số 5 thể hiện cho Ngũ hành (kim – mộc – thuỷ – hoả – thổ), Ngũ Phúc (phú – quý – thọ – khang – ninh). 

Ngũ hành tương ứng với 5 màu: kim – màu trắng, mộc – màu xanh, thuỷ – màu đen, hoả – màu đỏ, thổ – màu vàng. Do đó, mâm ngũ quả ngày tết của người miền bắc thường có: nải chuối xanh (tượng trưng cho hành mộc), quả bưởi hoặc phật thủ vàng (tượng trưng cho hành thổ), quả hồng hoặc ớt màu đỏ (tượng trưng cho hành hoả), quả đào hoặc lê màu trắng (tượng trưng cho hành kim), quả nho màu đen (tượng trưng cho hành thuỷ). Gia chủ cũng có thể thay thế bằng những loại quả khác miễn sao có màu sắc tương tự là được. 

ý nghĩa mâm ngũ quả bắc
Mâm ngũ quả ngày Tết của người Bắc luôn có chuối xanh.

Xem thêm: Chia sẻ 30 + mâm cơm gia đình miền Bắc ngon

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung 

Vốn với tính cách mộc mạc, chân chất, người miền Trung không cầu kỳ về số lượng quả cũng như màu sắc của mỗi loại quả. Họ thường sử dụng các loại quả theo mùa, hoặc trong vườn có quả gì thì hái bày quả đó. Miễn sao quả tươi tốt là được. 

ý nghĩa mâm ngũ quả trung
Mâm ngũ quả của người miền Trung luôn mộc mạc, không quá cầu kỳ.

Xem thêm: 40 mâm cơm gia đình miền Trung không thể thiếu ngày tết 

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam 

Người miền Nam cũng không để tâm nhiều về màu sắc các loại quả. Họ chú trọng đến tên của các loại quả, để khi đọc chệch thể hiện mong ước trong năm đó. Mâm ngũ quả của người miền Nam thường có: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, thể hiện mong ước “Cầu Sung Vừa Đủ Xài”. Họ kiêng bày chuối vì đồng âm với “chúi” (ngã chúi rụi), kiêng bày quả lê (lê lết), kiêng bày cam (cam phận, cam chịu). 

ý nghĩa mâm ngũ quả nam
Mâm ngũ quả người miền Nam được sắp xếp thể hiện mong ước “cầu vừa đủ xài”.

Xem thêm: Gợi ý 40 thực đơn cho bữa cơm gia đình miền Nam

3. Cách bày mâm ngũ quả ngày tết đẹp và ý nghĩa 

Ngày nay, với sự đa dạng của các loại hoa quả tươi trên thị trường nên mọi người thường bày nhiều hơn 5 loại quả. 

Bày mâm ngũ quả ngày tết miền Bắc đẹp nhất 

Chuẩn bị: 

  • Chuối: thể hiện sự sum vầy, con cháu đùm bọc, đầm ấm, hạnh phúc. 
  • Đu đủ: thể hiện đầy đủ, phồn thịnh. 
  • Bưởi (phật thủ, quýt, cam canh): màu vàng của bưởi thể hiện giàu sang phú quý. 
  • Dừa: gần âm với “vừa”, nghĩa là không thiếu. 
  • Xoài, nho, trứng gà, táo đỏ. 
  • Trầu cau. 

Cách bày mâm ngũ quả: 

  • Nải chuối xanh đặt dưới cùng. Sau đó đặt bưởi vào giữa. 
  • Tiếp tục bày theo quy tắc, đặt quả to phía dưới làm trụ đỡ, quả nhỏ xếp lên trên. Rồi xếp tiếp quả nhỏ xung quanh sao cho tròn đều. 
  • Những chỗ trống trên nải chuối có thể cài quất, cam canh vào cho đẹp. 
  • Nho để lên trên. Cuối cùng cài trầu cau vào vị trí trống cho xoè đều. Vậy là hoàn thành mâm ngũ quả. 
cách bày mâm ngũ quả bắc
Cách bày mâm ngũ quả điển hình của người Bắc.

Cách bày mâm ngũ quả miền Nam 

Chuẩn bị: 

  • 5 loại quả chính gồm: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. 
  • Ngoài ra chuẩn bị thêm: thanh long, thơm, quýt, bưởi, mận, tắc. 
  • Hai quả dưa hấu đỏ kèm chữ “Phúc”. 

Cách  bày trí mâm ngũ quả: 

  • Chuẩn bị một đĩa đựng cỡ lớn. Đặt trái thơm làm trụ. Xếp những trái lớn như thanh long, dừa, đu đủ, bưởi phía dưới. 
  • Xếp xen kẽ lên trên những trái lớn là các trái cỡ vừa như xoài, quýt, mãng cầu vào cho cân đối. 
  • Khoảng trống nhỏ hơn thì đặt vào đó những trái mận. Những kẽ trống nhỏ hơn nữa sẽ xếp trái sung. 
  • Cuối cùng xen kẽ những trái tắc vào những chỗ trống còn lại. 
  • Hai trái dưa hấu dán chữ “Phúc” sẽ đặt cân đối hai bên của mâm  ngũ quả là hoàn thành. 
cách bày mâm ngũ quả trung
Cách bày mâm ngũ quả đơn giản những vẫn rực rỡ, đẹp mắt kiểu miền Trung.

Cách bày mâm ngũ quả miền Trung 

Chuẩn bị: 

  • Quýt, lê, táo, xoài, vú sữa
  • 1 quả dưa hấu
  • 1 quả phật thủ 
  • Ớt đỏ, quất

Cách trưng bày mâm ngũ quả: 

  • Chuẩn bị 1 đĩa lớn. Xếp quýt chạy vòng quanh đĩa. Đặt trái dưa hấu vào trung tâm. 
  • Khoảng trống giữa dưa hấu và quýt sẽ xếp phật thủ, xoài, lê, táo, vú sữa xung quanh. 
  • Những kẽ nhỏ sẽ gài ớt và quất vào cho cân đối là hoàn thành. 
cách bày mâm ngũ quả nam
Cách bày mâm ngũ quả kiểu miền Nam.

Xem thêm: 30 ý tưởng trang trí nhà ngày Tết

4. Những điều nên và không nên khi bày mâm ngũ quả ngày Tết 

Nên:

  • Tuỳ theo vùng miền để lựa trái cây cho phù hợp. Nhưng bạn nên lựa chọn các loại hoa quả có nhiều màu sắc rực rỡ để mâm ngũ quả khi bày xong sẽ đẹp mắt hơn. 
  • Chọn những loại quả có nhiều múi, nhiều móng, nhiều mắt, hoặc nhiều hạt nhằm thể hiện sự sung túc, đủ đầy. 
  • Chọn hoa quả tươi mới. Nên chọn những quả đã đanh già, chắc tay, không dập nát, trầy xước, cuống lá xanh, và chưa chưa chín để có thể giữ được lâu hơn trên bàn thờ. 
lưu ý khi bày mâm ngũ quả
Chọn hoa quả tươi mới để bày mâm ngũ quả.

Không nên: 

  • Không sử dụng trái cây giả để bày mâm ngũ quả. 
  • Không nên lựa chọn trái cây quá chín sẽ dễ bị hư hỏng, tạo điềm không may mắn cho năm mới. 
  • Người miền Nam sẽ kiêng không bày các loại quả như: chuối, lê, cam,… vì quan niệm những quả này mang ý nghĩa xấu cho công việc làm ăn. 
  • Không nên dùng nước rửa sạch trái cây trước khi bày, dễ làm trái cây bị héo. Trái cây bị đọng nước cũng sẽ dễ dẫn đến bị hư hỏng nhanh hơn. Chỉ nên dùng khăn ẩm để lau sạch bụi là được. 

5. Bật mí cách chọn trái cây bày mâm ngũ quả đẹp 

Mâm ngũ quả ngày Tết cốt là bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, do vậy, nên tùy tâm lựa chọn, không nhất thiết phải chọn những loại quả đắt tiền, nhưng cũng không nên quá xuề xoà. 

Vào dịp Tết, các loại trái cây của Việt Nam rất đa dạng, do vậy, bạn có thể bày nhiều hơn 5 loại quả, miễn sao cảm thấy phù hợp với ý nghĩa, tập quán của địa phương mình là được. 

trái cây bày mâm ngũ quả
Các loại trái cây thường sử dụng khi bày mâm ngũ quả.

Có thể chọn những loại trái cây sau để bày mâm ngũ quả: 

  • Chuối xanh: tượng trưng cho sum vầy, đùm bọc, gắn kết. 
  • Quả bưởi: tượng trưng cho phúc lộc, thịnh vượng. 
  • Quả phật thủ: có hình dạng tựa như bàn tay Phật, che chở, bảo vệ cho gia đình. 
  • Quýt/ quất: tượng trưng cho đại cát đại lợi. 
  • Sung: tượng trưng cho sung túc, đủ đầy. 
  • Xoài: đọc chệch thành “xài”, có nghĩa là đủ tiêu đủ xài, không thiếu thốn. 
  • Dừa: đọc chệch thành “vừa”, có nghĩa là vừa đủ, không túng thiếu trong cuộc sống. 
  • Mãng cầu: cầu chúc mọi sự như ý. 
  • Nho: tượng trưng cho sự thành công, hoá hung thành cát, mang tới may mắn. 
  • Hồng: tượng trưng cho may mắn, hưng thịnh. 
  • Quả lê: vị ngọt ngào tượng trưng cho suôn sẻ, thuận lợi. 
  • Quả trứng gà: thể hiện lộc lá trời ban. 
  • Quả thanh long: tượng trưng cho cát tường, thịnh vượng. 

6. Tổng hợp hình ảnh đẹp về mâm ngũ quả ngày Tết

Có thể bạn quan tâm:

Thông tin liên hệ:

Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương

Website: https://store.longphuong.vn/ hoặc https://longphuong.vn/

Hotline: (+84) 989 595 866

Địa chỉ: Cụm CN Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh

Email: info@longphuong.vn

Maps: https://goo.gl/maps/SsJUEwSmPLXUVcau5 

NGUYỄN TIẾN LONG

CEO Công ty cổ phần tập đoàn Long Phương với hơn 20 năm tìm tòi và nghiên cứu để có được những công thức, kinh nghiệm làm nghề tốt nhất, Sứ Long Phương đã cho ra đời hơn 400 mẫu mã vè các loại sứ gia dụng, đóng góp đáng kể cho ngành gốm sứ Việt Nam.

vi
0989 595 866