Bánh chưng là món ăn cổ truyền không thể thiếu của người Việt trong dịp lễ tết. Tết sẽ thiếu đi một phần ý vị nếu không có nồi bánh chưng. Sứ Long Phương sẽ hướng dẫn bạn cách gói bánh chưng cổ truyền đơn giản nhất để bạn trổ tài với gia đình trong dịp tết này nhé.
1. Lựa chọn và sơ chế nguyên liệu để gói bánh chưng
1.1 Cách chọn nguyên liệu
Nếp cái hoa vàng
Nguyên liệu chính để làm bánh chưng đó chính là gạo nếp. Và loại nếp để làm bánh chưng ngon nhất đó chính là gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp cái hoa vàng có đặc trưng rất thơm, hạt gạo tròn mẩy. Bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng rất dẻo và thơm ngon.
Đỗ xanh
Bạn có thể lựa chọn đậu xanh nguyên vỏ hoặc đã xát vỏ, xay vỡ. Đậu xanh ngon là loại hạt nhỏ ruột vàng, mã sáng bóng. Nên chọn đậu vụ mới sẽ bở và thơm hơn.
Thịt lợn
Nhân thịt làm bánh chưng ngon nhất là loại thịt không quá nạc, nên chọn thịt ba chỉ hoặc vai sấn. Những phần thịt này có tỉ lệ nạc mỡ đan xen nhau, giúp cho nhanh bánh béo ngậy mà không bị khô.
Gia vị, hạt tiêu
Gia vị ướp không thể thiếu đó là muối trắng và hạt tiêu. Bạn nên sử dụng muối trắng để tạo hương vị tinh khiết cho nguyên liệu. Hạt tiêu chọn tiêu đen, hạt nhỏ tròn, xanh lòng, chọn lọc kỹ càng để không bị hạt mốc, lép.
Lá dong
Lá dong để gói bánh cho chất lượng tốt nhất là loại lá bánh tẻ, không quá già và không quá non. Tán lá to rộng, nguyên vẹn, không rách nát, màu xanh mướt, gân lá dẻo dai. Một chiếc bánh chưng cần khoảng 4 lá là vừa đẹp.
Lạt buộc
Dây buộc chắc chắn và an toàn nhất đó là lạt tre, nứa. Nên chọn lạt lạt ống giang mềm, mỏng, dẻo dai. Hoặc lạt chẻ mỏng từ tre bánh tẻ.
Xem thêm: Tết cần chuẩn bị những gì? Mách nàng dâu mới danh sách sắm tết đầy đủ
1.2 Sơ chế nguyên liệu làm bánh chưng
Công thức nấu bánh chưng
1kg gạo nếp sẽ gói được khoảng 4 chiếc bánh chưng nặng chừng 500gr/bánh. Tỉ lệ gạo và đỗ hợp lý sẽ là 4 phần gạo/1 phần đỗ, nhân thịt thì tuỳ thích. Với tỉ lệ trên bạn có thể ước lượng chuẩn bị phần gạo đỗ cho phù hợp với nhu cầu của gia đình.
Sơ chế gạo nếp
Gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước lạnh qua đêm, từ 8 – 10 tiếng để gạo nở mềm.
Sau khi ngâm, vớt gạo ra rá, để ráo nước rồi đem xóc gạo với một chút muối hạt cho đậm đà.
Nếu muốn bánh có màu xanh bắt mắt, bạn có thể đem ngâm gạo với nước lá dứa hoặc nước lá riềng để tạo màu xanh.
Sơ chế đỗ xanh
Đỗ xanh nguyên hạt thì đem xay vỡ, ngâm qua đêm cho nở rồi đãi sạch vỏ. Hoặc nếu chọn đậu đã chà vỏ thì chỉ cần ngâm từ 4 – 6 tiếng. Ngâm xong thì vớt đậu ra rá, để ráo nước, thêm một chút muối hạt để nhân đậm đà hơn.
Ướp nhân thịt
Thịt lợn rửa sạch, để ráo nước rồi thái thịt thành những miếng to, bản dày. Sau đó đem ướp thịt với muối và tiêu xay.
Sơ chế lá dong
Lá dong mua về, rửa sạch hai mặt, treo ngược cho ráo nước. Có thể cắt bớt phần gân to cứng ở đầu lá để dễ gói hơn.
Hoặc lá sau khi rửa sạch, bạn cũng có thể đem trần qua nước sôi để lá dẻo hơn sẽ dễ gói hơn mà không bị gãy dập.
Xem thêm: 30 món ăn ngày Tết đặc trưng ở ba miền Bắc – Trung – Nam bạn đã biết chưa?
2. Cách gói bánh chưng ngày tết đơn giản, dễ làm
2.1 Cách gói bánh chưng vuông bằng tay không dùng khuôn
- Đặt Xếp 2 lá do to vuông góc với nhau, úp mặt trong xuống dưới, mặt có gân trắng ở trên.
- Cho một bát gạo vào chính giữa. Tiếp tục cho một nắm đỗ lên trên gạo, gạt nhẹ để đặt nhân thịt vào giữa. Đổ tiếp phần đỗ còn lại lấp đầy miếng thịt.
- Đổ tiếp một bát gạo nữa cho kín phần nhân đỗ thịt.
- Túm hai mép lá lại với nhau, dùng tay gấp vào sát trong để cố định nhân bánh. Luôn giữ chặt tay để bánh được vuông vắn nhất. Giấu các mép thừa vào trong hoặc nếu quá dài có thể dùng kéo cắt.
- Tiếp tục, dùng 2 ngón cái bóp đẩy lá dong vào trong, rồi gập lá lại. Dựng bánh lên, tiếp tục làm tương tự với đầu còn lại.
- Sau khi bánh đã thành hình, dùng 4 lạt, mỗi chiều 2 lạt để cố định chặt bánh.
- Dùng tay ấn nhẹ để bánh được dàn đều các góc.
- Trong quá trình gói, luôn giữ chặt tay thì bánh sau này mới dẻo rền, không bị nhão.
2.2 Cách gói bánh chưng vuông bằng khuôn
- Xếp lá dong như khi gói tay, úp phần khuôn lõi vào chính giữa lá. Dùng tay gập các đầu lá lại với nhau thành một hình vuông.
- Tiếp tục đặt phần khuôn hình vuông đó vào trong khuôn bao. Từ từ mở lá và nhấc khuôn lõi ra ngoài.
- Cho lần lượt nguyên liệu gói bánh vào trong, dàn thật đều các lớp: gạo – đỗ – thịt – đỗ – gạo.
- Gập các đầu lá gọn gàng theo nếp. Xong đó, một tay giữ bánh, một tay nhấc khuôn bánh ra. Dùng lạt buộc chặt bánh lại.
2.3 Cách gói bánh chưng bằng cách tạo khuôn từ sống lá
- Chuẩn bị 4 lá. Cắt bỏ đầu, và tước bớt phần sống lưng cho mềm.
- Trải lá lên sàn, ngang trước mặt. Lật úp mặt xanh đậm xuống dưới. Gấp mép lá theo phương ngang, khoảng cách từ mép lá đến sống lá khoảng 3cm.
- Gấp đôi lá lại. Các lá còn lại làm tương tự.
- Sau khi gấp lá xong, lựa theo kích thước bánh muốn gói rồi cắt bớt đuôi lá.
- Mở lá, gấp chép tạo thành 2 mép lá vuông góc nhau, lật phần lá thừa vào trong. Dùng vật nặng đè lên giữ. 3 lá còn lại thực hiện tương tự. Sau đó, xếp 4 lá lại với nhau để tạo thành một khuôn vuông.
- Cho nguyên liệu làm bánh vào lần lượt: gạo – đỗ – thịt – đỗ – gạo. Nén chặt phần nhân và dàn đều về 4 góc.
- Gấp 2 lá đối diện vào nhau, cố định tạm thời bằng lạt. Tiếp tục gấp 2 mép lá còn lại. Cố định bằng lạt cho chắc chắn.
- Điều chỉnh lại dây lạt cho cân đối là hoàn thành
2.4 Cách gói bánh chưng dài bằng lá chít
- Chọn mua lá chít bản to rộng, không rách để gói bánh. Lá chít là lá của cây đót, lá có hình thuôn dài, màu xanh mướt, thường được người dân của các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ như Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc dùng gói bánh chưng vào dịp tết.
- Lá chít đem trần sơ qua nước nóng, xong đó vớt ra rửa sạch hai mặt, rửa kỹ phần kẽ lá để không bị sạn. Treo ngược lên cho ráo nước trước khi đem gói.
- Đặt lá chít lên mâm (lên sàn sạch), phía dưới có xếp lạt nằm ngang để buộc cố định. Xếp từng lớp lá chồng khít lên nhau để gạo không bị rơi ra ngoài.
- Xúc gạo, rải đều theo chiều dài của lá. Tiếp tục rải đỗ vào giữa, dọc theo gạo. Xếp thịt lên trên đỗ, cũng theo chiều dài của bánh. Rồi nhẹ nhàng phủ đỗ che kín thịt. Tiếp tục xúc gạo rải đều che kín nhân lớp nhân lại.
- Cuộn 2 mép lá lại với nhau thật chặt tay, rồi dùng lại buộc cố định lại.
- Dùng tay thật khéo léo bẻ – khép – gập từng đầu lá lại cho cân đối rồi dùng dây buộc lại. Làm tương tự với đầu bánh còn lại.
- Dùng dây lạt dài, chằng thật chặt bánh như chằng giò. Vậy là hoàn thành.
2.5 Cách gói bánh chưng bằng lá chuối (bánh tét)
Người miền Bắc gói bánh chưng bằng lá dong thì người miền Nam lại gói bánh chưng bằng lá chuối, còn gọi là bánh tét. Cách gói bánh chưng với lá chuối như sau:
- Chuẩn bị những tàu lá chuối to bản, không bị rách, rửa sạch và để ráo trước khi gói bánh.
- Xếp lá chuối chồng khít lên nhau. Sau đó đổ gạo nếp dàn đều theo chiều ngang của lá. Lần lượt cho các nguyên liệu còn lại (đỗ – thịt – đỗ – gạo) .
- Túm hai đầu miệng lá lại với nhau, vừa cuộn vừa gập lại, buộc cố định bằng dây. Gấp một đầu lá lại, chống xuống dưới để lật đầu kia lên, bẻ lá và gập gọn lại, cố định bằng dây. Tiếp tục đổi đầu với đầu còn lại.
- Dùng dây buộc cố định bánh theo chiều dọc, sau đó buộc ngang để bánh được chắc chắn nhất. Như vậy là hoàn thành.
2.6 Cách gói bánh chưng vuông bằng lá chuối không dùng khuôn
Đối với những người xa xứ, việc tìm đủ nguyên liệu để gói bánh chưng là một điều xa xỉ, nhất là lá dong. Nhưng bạn hoàn toàn có thể thay thế lá dong bằng lá chuối. Và cách làm như sau:
- Ngoài những nguyên liệu cần thiết để làm bánh như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn thì bạn cần chuẩn bị thêm lá chuối xanh.
- Rửa sạch lá chuối và lau khô. Sau đó dùng dao hoặc kéo cắt lá thành những hình chữ nhật to bản.
- Dùng 4 lá chuối xếp xen kẽ nhau thành hình chữ thập trên bề mặt phẳng. Sau đó, đổ gạo nếp theo định lượng vào vùng trung tâm, thêm đỗ xanh, rồi tới thịt lợn. Tiếp tục lấp nhân thịt bằng đỗ xanh, gạo nếp.
- Dùng tay gập 2 bên đối diện của hình chữ thập vào với nhau để tạo hình vuông.
- Dùng dây lạt để cố định bánh là hoàn thành.
2.7 Cách gói bánh chưng vuông bằng lá chuối với khuôn vuông
Cách làm bánh chưng vuông bằng lá chuối với khuôn vô cùng đơn giản, cho ra thành quả vô cùng đẹp mắt, không thua kém gì bánh gói lá dong.
- Tương tự chuẩn bị nguyên liệu cần thiết để gói bánh, thêm lá chuối và khuôn vuông.
- Sơ chế lá chuối thật sạch và lau khô.
- Tạo hình vuông cho lá chuối bằng cách gấp đôi lá chuối theo chiều dọc. Đặt cạnh gấp vào thành của khuôn và mở lá ra. Gấp lá chuối ở phần đáy khuôn tạo thành hình tam giác. Tiếp tục làm với góc đối diện để tạo thành khuôn vuông kín.
- Đổ lần lượt gạo nếp – đỗ – thịt – đỗ – gạo nếp, dàn đều ra 4 góc. Bắt đầu gập lá chuối lại và dùng dây cố định bánh là hoàn thành.
Xem thêm: 10 cách trang trí bàn tiệc Tết
3. Video hướng dẫn quy trình làm bánh chưng nhanh không cần khuôn
4. Cách luộc bánh chưng xanh mướt, rền dẻo, không lại gạo
Những lưu ý khi luộc bánh chưng
- Dùng lá gói thừa để lót xung quanh nồi trước khi xếp bánh vào, giúp bánh không bị bén nồi cũng như nước lá được xanh hơn.
- Sử dụng nồi tôn (tole) để luộc bánh. Bởi vì nồi tôn tạo ra môi trường kiềm hoàn hảo giúp giữ được màu xanh của lá dong.
- Bánh chưng luộc bằng củi với nhiệt độ ổn định sẽ giúp chất lượng bánh ngon hơn so với luộc bằng than hoặc gas.
- Muốn bánh không bị đỏ, khi luộc bánh được khoảng 4 – 6 tiếng, bạn có thể vớt bánh ra, rửa sạch bánh cho hết nhớt, váng bọt. Rồi sau đó thay nước, luộc bằng nước mới để bánh được xanh đẹp hơn.
Cách luộc bánh chưng:
- Xếp bánh vào nồi. Đổ nước ngập mặt bánh. Nhóm bếp, đun sôi.
- Khi nồi bánh bắt đầu sôi thì cần hạ lửa. Và luôn luôn chú ý lượng nước trong nồi. Nước cạn cần châm thêm nước sôi mới để nước luôn ngập mặt bánh.
- Nếu là người lần đầu gói bánh chưng ngày tết, hẳn bạn sẽ băn khoăn không biết luộc bánh chưng mấy tiếng phải không nào? Theo kinh nghiệm lâu năm, thời gian luộc bánh chưng lâu thì bánh càng rền dẻo. Thời gian luộc bánh thấp nhất phải đạt 6 – 8 tiếng, và lý tưởng nhất là từ 10 – 12 tiếng để bánh chín kỹ, các hạt gạo nở ra quyện vào nhau, rền nhuyễn hơn.
- Vớt bánh ra, rửa bánh bằng nước đun sôi để nguội cho hết nhớt. Sau đó, xếp bánh thành nhiều lớp rồi dùng vật nặng đè lên trong vài giờ để ép hết nước. Bánh sẽ chặt, rền nhuyễn và bảo quản được lâu hơn.
5. Mẹo cắt bánh chưng siêu nhanh, lát cắt cực đều và sắc ngọt.
Bình thường, khi cắt bánh chưng, chúng ta thường hay sử dụng lạt buộc bánh, tước nhỏ thành 4 sợi, vắt dọc – ngang – chéo hai bên để cắt bánh. Nhưng nhiều khi chia dây không đều khiến miếng bánh bị lệch, góc to góc nhỏ. Có khi sợi dây quá mỏng bị đứt khi đang cắt rất phiền. Còn dùng dao cắt bánh thì bị dính rất khó cắt.
Để khắc phục những lỗi trên, bạn có thể tham khảo ngay mẹo cắt bánh này nhé.
- Dùng dao. Bạn cần chuẩn bị một con dào dài. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh lưỡi dao vài lượt. Rồi dùng dao đó để cắt dọc, ngang, chéo thành những phần bằng nhau là được. Cắt xong, bạn chỉ việc gỡ bỏ lớp màng bọc thực phẩm ra mà dao không hề bị dính chút nào.
- Dùng cước. Nếu bạn không thích cắt bánh bằng dao thì bạn có thể chuẩn bị những đoạn dây cước dài để cắt bánh. Cắt bánh bằng dây cước rất chắc chắn, đường cắt rất sắc ngọt. Chuẩn bị 4 sợi dây cước đều nhau, chiều dài gấp đôi chiều dài của bánh. Bóc lá bánh để lộ mặt bánh, sau đó chia dây đều, 1 dây ngang, 1 dây dọc, 2 dây đặt chéo. Dùng đĩa sạch, úp đĩa vào mặt bánh đã đặt dây. Sau đó lật bánh, bóc nốt lớp vỏ còn lại rồi lần lượt cầm 2 đầu của mỗi sợi dây từ từ kéo vào nhau. Vậy là là bạn đã có 8 phần bánh đều nhau rất đẹp rồi.
6. Lời kết
Phía trên, Sứ Long Phương đã chia sẻ với bạn đọc cách gói bánh chưng đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện được. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ tìm được cách phù hợp nhất để trổ tài gói bánh cùng gia đình dịp tết năm nay nhé. Chúc bạn thành công!
Có thể bạn quan tâm:
- Thử ngay 4 cách làm cà ri gà thơm ngon mà không sợ ngấy
- Cách làm gà ủ muối hoa tiêu da giòn thơm ngon hấp dẫn
- Cách nấu súp gà bất bại, không vữa, không loãng!
- Mách bạn 36+ thực đơn bữa cơm gia đình Ngon – Bổ – Khỏe chỉ từ 50K
- Hướng dẫn cách nấu các món canh ngon ngày tết
Thông tin liên hệ:
Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương
Website: https://store.longphuong.vn/ hoặc https://longphuong.vn/
Hotline: (+84) 989 595 866
Địa chỉ: Cụm CN Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh
Email: info@longphuong.vn
CEO Công ty cổ phần tập đoàn Long Phương với hơn 20 năm tìm tòi và nghiên cứu để có được những công thức, kinh nghiệm làm nghề tốt nhất, Sứ Long Phương đã cho ra đời hơn 400 mẫu mã vè các loại sứ gia dụng, đóng góp đáng kể cho ngành gốm sứ Việt Nam.